GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 1
Kính thưa các thầy cô giáo cùng các em học sinh thân mến!
Như chúng ta đã biết, từ lâu cây đào, cây mai đã trở thành loài cây quen thuộc trong mỗi ngày Tết của các gia đình người Việt. Nhưng có lẽ ít ai hiểu rằng vì sao cây đào, cây mai lại trở thành loài cây được nhắc đến nhiều nhất trong mùa xuân, trong những ngày Tết cổ truyền. Có lẽ ngoài các bậc tiền bối ra thì chắc không ai nhớ được lý do vì sao, có người nói rằng, cây mai là biểu tượng cho sự may mắn của một năm còn cây đào thì được xem là một loại cây dùng để trừ tà, đuổi ma quỷ mang lại sự an lành, hạnh phúc và thịnh vượng cho gia chủ. Bởi vậy, cả cây mai và cây đào đều là những loài cây dân gian được yêu chuộng và xem như biểu tượng của ngày Tết vì những quan niệm tốt đẹp mà người xưa đã định đặt cho hai loài cây này. Nhưng thật ra, theo tự nhiên thì hai loài cây này là hai loài thường nở hoa vào mùa xuân, khi các loài hoa chưa được phong phú và phổ biến như bây giờ nên hoa đào và hoa mai được xem là hai loài hoa đặc trưng nở vào mùa xuân. Để giúp các thầy cô và các em biết rõ hơn nguồn gốc ra đời của cây đào, cây mai thì hôm nay, tôi xin giới thiệu cuốn tranh truyện dân gian Việt Nam “Sự tích Hoa Đào, Hoa Mai” của tác giả Minh Hiếu, tranh Chu Hoàng Linh do Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản năm 2015, với 31 trang, khổ 14,5x 20,5cm.
Các thầy cô giáo và các em học sinh thân mến!
Người Việt Nam chúng ta có phong tục hằng năm mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, dù ở bất cứ nơi đâu đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong sự hoà thuận, yêu thương và luôn cầu chúc cho nhau bằng những điều tốt lành... Chính vì thế mà mọi người đều chuẩn bị cho cái tết của gia đình mình thật đầy đủ về mọi mặt và tết Nguyên đán đã trở thành lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của người Việt Nam trong năm.
Mở đầu cuốn sách là câu chuyện “Sự tích hoa đào ngày Tết” được xuất phát từ một vùng phía đông núi Sóc Sơn, thuộc miền Bắc nước ta có một cây hoa đào cổ thụ, cành lá xum xuê khác thường, bóng râm che phủ cả một vùng. Cây cổ thụ ấy là nơi trú ngụ của hai vị thần tên Trà và Uất Lũy. Hai vị sức vóc phi thường, lại tinh thông nhiều phép thuật. Thuở ấy, làng nào cũng bị ma quỷ vào quấy phá, cướp bóc làm dân lành vô cùng khổ sở, điêu đứng nhưng ở vùng núi Sóc Sơn thì chẳng ma quỷ nào dám bén mảng. Vì chúng biết rằng thần Trà và thần Uất Lũy sức mạnh phi thường, quyền uy lừng lẫy. Nếu đặt chân đến đó thì không tránh được sự trừng phạt của hai vị thần. Bọn ma quỷ khiếp sợ uy vũ sấm sét của hai thần đến nỗi sợ luôn cả cây đào.Vì thế khi chỉ thấy cành hoa đào thôi, chúng đã hoảng sợ mà chạy xa.Cho nên những ngày hai vị thần bận lên chầu Ngọc Hoàng thì dân làng bảo nhau ngắt những cành hoa đào về cắm trong nhà để bọn ma quỷ thấy mà tránh xa, không dám tác oai, tác quái. Những nhà không kịp ngắt hoa đào thì vẽ thần Trà và thần Uất Lũy đem dán trước nhà để bọn ma quỷ tưởng là hai vị thần thật mà không dám bén mảng tới, dần dần việc ấy được dân các vùng lân cận làm theo, và cứ thế lan rộng ra các nơi. Hằng năm cứ mỗi dịp Tết đến, mọi người cố gắng kiếm một cành hoa đào về cắm trong nhà để trừ ma quỷ, giữ bình an cho gia đình. Lâu dần việc ấy trở thành phong tục đẹp. Cứ mỗi dịp năm hết tết đến, nhà nhà đều có cành hoa đào tươi thắm và những câu đối được viết trên trang giấy hồng điều. Đó là mong ước của mọi người dân, chia tay năm cũ, đón năm mới vui vẻ, an lành và may mắn.
Để biết được hoa đào, hoa mai có nguồn gốc từ đâu? Tại sao chúng ta lại thường cắm hoa đào, hoa mai trong dịp tết Nguyên đán? Thì mời các em đến thư viện trường Tiểu học Quang Thành đọc tiếp câu chuyện này nhé. Sách có tại thư viện nhà trường với số kí hiệu STN: STN-02563 hy vọng cuốn sách sẽ mang lại cho chúng ta những kiến thức bổ ích và thiết thực về phong tục của dân ta.
Phần giới sách sách tháng 1 của trường tiểu học Quang Thành đến đây là hết. Hẹn gặp lại thầy cô và các em trong phần giới thiệu sách lần sau!